Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn
(chuyendoiso.sonla.gov.vn) Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La luôn định hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng vào sản xuất nông nghiệp; tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VieGAP) và tương đương đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và phát triển nhân lực, đào tạo, phát triển ngành nghề dịch vụ ở nông thôn. 
anh tin bai

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp góp phần nâng cao

chất lượng sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Việc nghiên cứu ứng dụng đã tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trên cơ sở định hướng nghiên cứu, năm 2020 - 2022, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai 26 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 70% các nhiệm vụ được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Từng bước thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông sản (rau, quả, chè, cà phê…), thủy sản chủ lực của tỉnh. Số hóa các dữ liệu thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, nông thôn mới, hợp tác xã nông nghiệp. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp; Công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao; Canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh; Tế bào quang điện; Sử dụng người máy (rô bốt) thay cho việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi; Sử dụng các thiết bị bay không người lái và các vệ tinh; Ứng dụng công nghệ tài chính phục vụ trong tất cả hoạt động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Song song với các hoạt động hỗ trợ việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn theo hình thức truyền thống, tỉnh Sơn La đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường trực tuyến như: Thực hiện việc duy trì và cập nhật trang thông tin giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Sơn La (https://agritradepage.vn) với 42 doanh nghiệp, HTX và 52 sản phẩm nông sản tiêu biểu bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung). Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên 03 sàn thương mại điện tử quốc tế (Alibaba.com, EC21.com, Agrimp.com); Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm Cà phê quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đối tác tại thị trường Anh, Đức; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm Xoài quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đối tác tại thị trường Úc và Trung Quốc thông qua công cụ quảng cáo Google Adwords.

anh tin bai

Hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của tỉnh

trên môi trường trực tuyến được triển khai.

Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VieGAP) và tương đương đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm được duy trì. Các sản phẩm nông sản của tỉnh được quân tâm phát triển thương hiệu, đến nay tỉnh đã có 26 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh. Toàn tỉnh có 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Các đơn vị đã phối hợp tổ chức thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn và tổ chức đoàn thanh tra đột xuất việc tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2023 tại Công ty Cổ phần Mía Đường Sơn La, Công ty Cổ phần tại Sơn La - Vinatea Mộc Châu.

Công tác thát triển nhân lực, đào tạo, phát triển ngành nghề dịch vụ ở nông thôn luôn được quan tâm nhất là cán bộ, công chức cấp xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 62/75 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 164.034 học viên, chiếm 82,7%. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề, lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi sinh kế; Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng, lợi ích của hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Đến tháng 8/2023 đã tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên dưới 03 tháng cho 1.693 học viên.  Bên cạnh đó là tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp của tỉnh. Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường công tác tập huấn cho người dân. Tổ chức tham quan học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lê Hồng


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1